Ùn tắc giao thông là hiện tượng phổ biến tại các đô thị lớn ở Việt Nam, gây ra sự bức xúc và mất thời gian đối với người dân. Chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, hậu quả và giải pháp.
Vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay tại các thành phố lớn ngày càng trở nên phổ biến, gây bức xúc cho nhiều người dân. Tình trạng này vẫn xảy ra hằng ngày, trở thành bài toán khó giải quyết, dưới đây là những nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc giao thông:
Đầy là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông tại Việt Nam. Nhiều người muốn di chuyển giao thông nhanh thường hay có các hành vi chen vào làn xe của xe ô tô và ngược lại nhiều xe ô tô muốn đi nhanh thường chen vào các làn xe dành cho xe máy. Từ đó khiến cho việc di chuyển bị kẹt cứng, nhất là tại các khu vực có đèn giao thông. Không những thế nhiều xe chạy ngược chiều xen vào các dòng xe chạy đúng chiều khiến cho việc kẹt xe càng trở nên trầm trọng.
Do ý thức người dân chưa tốt nên gây ra ùn tắc giao thông
Mưa, gió là hai nguyên nhân về thời tiết gây tắc nghẽn giao thông thường xuyên tại Việt Nam. Mưa lớn gây ngập đường khiến cho nhiều xe máy, xe ô tô lưu thông chết máy hàng loạt không di chuyển được từ đó dẫn đến tắc nghẽn giao thông. Gió lớn trước khi mưa, bão khiến cho nhiều xe di chuyển bị ngã hàng loạt khiến cho việc di chuyển xe bị ngừng lại tập thể, từ đó gián tiếp gây tắc nghẽn giao thông.
Do mưa lớn gây kẹt xe
Tại Việt Nam cứ hàng năm lại có một số lượng lớn xe tham gia giao thông tại Việt Nam đặc biệt là xe máy. Theo ước tính tại Việt Nam trung bình 1 gia đình có ít nhất 2 chiếc xe máy. Chính vì khối lượng xe máy di chuyển nhiều nhất là vào giờ đi làm và giờ tan ca là nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông.
Lưu lượng xe gia tăng
Tại Việt Nam hiện nay mặc dù cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân tại Việt Nam. Việt Nam chưa có nhiều cầu vượt, hệ thống giao thông công cộng mạnh. Từ đó dẫn đến tắc nghẽn giao thông là chuyện đương nhiên.
Hiện nay lực lượng CSGT chưa đủ đáp ứng được nhu cầu điều tiết giao thông 24/24 tại Việt Nam, cho nên mỗi khi có mưa, hay tai nạn giao thông, lực lượng CSGT khá vất vả trong việc điều tiết giao thông tại Việt Nam.
Hiện nay, mặc dù đã có sự đổi mới về mức phạt giao thông, tuy nhiên mức phạt trên được xem là mức phạt còn quá nhẹ và không có tính răn đe cao. Phần lớn CSGT khi gặp tình trạng tắc nghẽn thường sẽ nhắc nhỡ và sẽ tiến hành điều tiết giao thông ngay để giảm thiểu nhanh nhất tình trạng kẹt xe, điều này khiến cho người dân cảm thấy hành vi gây ra kẹt xe của mình không phải là một hành vi vi phạm pháp luật.
Tai nạn giao thông, xe bị hư giữa đường, tựu trường khai giảng, sửa chữa cầu đường, đợi xe lửa, có lễ hỗi lớn, đi bão cổ vũ,... cũng là những nguyên nhân gây ra tắc nghẽn giao thông tại Việt Nam.
Tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe kéo dài liên tục không được khắc phục sẽ dẫn dắt đến rất nhiều hậu quả, cụ thể:
Ùn tắc giao thông khiến mọi người phải kéo dài thời gian di chuyển từ điểm A đến điểm B. Điều này ảnh hưởng đến lịch trình cá nhân, công việc và gây ra phiền hà cho người tham gia giao thông. Trong một số trường hợp, việc xe cộ di chuyển chậm chạp hoặc dừng đột ngột có thể dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông.
Các phương tiện tham gia giao thông di chuyển chậm chạp sẽ thải ra môi trường lượng lớn khí thải, nhất là khói xe chứa CO2, các hạt bụi. Điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe con người. Không chỉ vậy, tắc nghẽn giao thông còn có thể gây căng thẳng, áp lực tinh thần cho người tham gia giao thông như tăng huyết áp, dễ cáu gắt.
Tình trạng tắc nghẽn giao thông khiến "thời gian chết" đối với mỗi cá nhân và doanh nghiệp ngày càng tăng. Từ đó ảnh hưởng tới năng suất công việc, quá trình vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và gây tổn thất hiệu quả kinh tế. Không chỉ vậy, ùn tắc giao thông còn làm mất cơ hội học hành, xin việc và tham gia các hoạt động xã hội của mọi người.
Vấn đề ùn tắc giao thông không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Vì vậy, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân cần đưa ra giải pháp và thực hiện đồng bộ mới có thể giảm ùn tắc giao thông đường bộ. Dưới đây là một số giải pháp giúp làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông:
Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng là giải pháp bên vững nhất nhằm giảm tắc nghẽn giao thông. Vài năm trở lại đây, do giá xe ô tô cá nhân giảm, vì vậy số lượng xe ô tô lưu thông trên đường tăng đáng kể. So với đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng thì diện tích chiếm chỗ của hành khách đi bằng ô tô và xe máy cao gấp nhiều lần, đây chính là nguyên nhân làm tắc nghẽn giao thông trên các tuyến phố. Khi phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng với tiêu chí thuận tiện cho hành khách là trên hết thì chắc chắn hành khách sẽ sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cần được thực hiện một cách khoa học mới mang lại hiệu quả, nếu không sẽ gây lãng phí và tắc nghẽn giao thông vẫn không khắc phục được. Trong thời gian qua, ở TP. Hà Nội và TP. HCM, mặc dù hệ thống vận tải hành khách công cộng có sự phát triển, nhưng sự thuận tiện cho hành khách vẫn không được cải thiện là mấy, một trong những hạn chế đó là thể hiện sự không thuận tiện: Điểm dừng, đỗ chưa hợp lý, xe buýt chạy ẩu, hay xảy ra tai nạn, tệ nạn trộm cắp trên xe và tại điểm dừng vẫn xảy ra thường xuyên.
Diện tích đô thị không thể tự rộng ra được, trong khi chính quyền cứ cho phép xây dựng các dự án chung cư cao tầng ở nội đô, điều đó làm tăng mật độ dân cư, tăng lưu lượng hành khách đi lại trên đường dẫn đến tắc nghẽn giao thông. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự tính toàn khoa học để có phương án quy hoạch cho đô thị một cách khoa học, diện tích đô thị cần có sự bố trí đều đặn và hợp lý về mục đích sử dụng, khu chung cư phải gắn liền với các tiện ích cơ bản như trường học, bệnh viện, khu mua sắm, khu vui chơi giải trí, tránh sự xây dựng không đồng bộ sẽ phát sinh các chuyến đi chồng chéo gây tắc nghẽn giao thông. Thực tế rất khó làm được điều này vì diện tích đất của đô thị bị hạn chế, các chung chư cao tầng chỉ bố trí được diện tích tầng hầm cho đỗ xe, tầng 1, 2 là khu mua sắm, còn diện tích dành cho trường học, bệnh viện lại phải bố trí một khu riêng biệt khác nằm ngoài khả năng của chủ đầu tư, còn chính quyền đô thị thì hầu như ít có sự tính toán và quan tâm đúng mức đến nội dung này. Ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần phải xem xét và điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng chung cư cao tầng, cần có sự tính toán sao cho mật độ dân cư ở trong ngưỡng cho phép.
Vấn đề quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng cũng như quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông như bến xe, nhà ga đường sắt, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, nhà ga hàng không, điểm trung chuyển phải khoa học, có sự điều tra kỹ càng về quy luật luồng hành khách đi lại, từ đó mới có phương án sự bố trí thật liên hoàn, tạo ra sự nhịp nhàng, ăn khớp khi khai thác các công trình giao thông. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều cần phải chú trọng nội dung này khi thiết kế hệ thống xe buýt, bên cạnh đó cần có sự điều chỉnh cho phù hợp ở từng thời điểm khác nhau.
Ý thức tham gia giao thông của người dân rất quan trọng trong vấn đề giảm tắc nghẽn, đi lại đúng làn đường, tuân thủ tín hiệu đèn giao thông cũng như chỉ dẫn của CSGT sẽ làm cho luồng phương tiện lưu thông tuần tự, nhịp nhàng, suôn sẻ. Thời gian qua, ở nhiều đô thị, sự tắc nghẽn giao thông xảy ra là do người tham gia giao thông đi không đúng làn đường, chen lấn dẫn đến va vệt và xảy ra sự cố, người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng nhau góp phần giảm tắc nghẽn, những nội dung này cần được cập nhật ở các trường học, cơ quan, tổ chức, cụm dân cư, bằng nhiều hình thức phong phú, dần dần sẽ nâng cao ý thức tham gia giao thông cho mọi người. Đi đôi với tuyên truyền giáo dục, cần có sự thưởng phạt rõ ràng, công minh đối với những trường hợp vi phạm, đặc biệt là các trường hợp đi sai làn đường, chen lấn, đi ngược chiều,... Có như vậy sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông tốt hơn.
Mọi người cần có ý thức tốt khi tham gia giao thông
Trên đây là tổng hợp những nguyên nhân gây kẹt xe, ùn tắc giao thông ở nước ta hiện nay. Hy vọng rằng, thông qua sự hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức và sự tham gia tích cực của cộng đồng, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề này và áp dụng các giải pháp hiệu quả. Điều này sẽ giúp nâng cao ý thức và tuân thủ luật lệ giao thông từ phía người dân, đồng thời giảm thiểu được những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, đem lại một môi trường giao thông an toàn và thuận lợi hơn cho mọi người.
Xem thêm:
- Hướng dẫn tra cứu phạt nguội online
- Tra cứu phạt nguội online nhanh nhất
- Phạt nguội là gì? Các mức sử phạt nguội ô tô
- Sử dụng trái cây lên men có bị vi phạm nồng độ cồn hay không?